Thân thế Văn Tú

Dòng dõi cao môn

Cận dung Thục phi Văn Tú trong ngày đại hôn.

Thục phi Văn Tú sinh ngày 8 tháng 11 (âm lịch), năm Tuyên Thống nguyên niên (1909), xuất thân từ gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị (鄂爾德特氏) của Mông Cổ Tương Hoàng kỳ, thuộc về Thượng Tam kỳ. Đương thời có câu về Văn Tú rằng "Dòng dõi tuy cao, nhưng gia cảnh nghèo khó", gia tộc của bà xuất thân nếu so với Hoàng hậu Uyển Dung thì cao quý hơn rất nhiều.

Dòng họ Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị, bắt đầu phát tích thời Càn Long, khai thủy bởi Hòa Anh (和瑛). Năm Càn Long thứ 36, Hòa Anh đậu Tiến sĩ, nhiều lần đảm nhiệm Chủ sự, Án sát, Bố chính sứ, Thị lang, Tuần phủ, Thượng thư, cuối cùng lấy Thượng thư bộ Binh mà thụ chức Quân cơ đại thần (军机大臣), Lãnh Thị vệ Nội đại thần (领侍卫内大臣), Thượng thư phòng Tổng Am Đạt (上书房总谙达), sau khi qua đời được ban thụy hiệuGiản Cần (简勤). Con trai của Hòa Anh là Bích Xương (壁昌), làm đến Tổng đốc Lưỡng Giang; con trai thứ nhất của Bích Xương là Hằng Phúc (恒福) sĩ đến Tổng đốc Trực Lệ; con trai thứ là Đồng Phúc (同福), tuy đương còn sống chỉ bị chờ tuyển Lang trung, nhưng con trai là Tích Trân (锡珍) vào năm Đồng Trị thứ 7 thì thi trúng Tiến sĩ, làm quan đạt đến Thượng thư bộ Lại. Tích Trân chính là tổ phụ của bà.

Như vậy gia tộc của Văn Tú 4 đời làm quan to, gia tộc vinh hiển, để lại cho con cháu không ít sản nghiệp. Cũng vì gia thế vinh hiển, Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị bắt đầu tiến vào vòng xoay liên hôn với hoàng thất vương phủ. Hai con gái của Hằng Phúc gả cho dòng tiểu tông của Túc vương phủ, trong đó có một vị chính là văn nhân nổi danh Thịnh Dục (盛昱). Con gái của Đồng Phúc gả vào Vinh vương phủ, lấy Trấn quốc công Phổ Mi (溥楣); còn con gái Tích Trân, cũng là tổ cô mẫu của Văn Tú, được gả vào Trang vương phủ, lấy Phụ quốc công Phổ Cương (溥纲). Thuận tiện nhắc tới, Phổ Cương là con trai trưởng của Trang Thân vương Tái Huân (载勋), nguyên bản tương đương với Trang vương phủ Thế tử, sau do sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn mà Tái Huân bị tước vương vị, Phổ Cương do đó cũng không kịp thế tước. Văn Tú cũng có một vị đường tỷ, con gái của đường bá phụ Đoan Kính (端敬), trong đợt Bát kỳ tuyển tú được chỉ định gả vào Hòa vương phủ, lấy Trấn quốc công Dục Chương (毓璋).

Các vị cô mẫu này của Văn Tú, khi gả đến vương phủ đều có tiếng văn chương thi từ rất tốt, tranh chữ cũng bất phàm, ta có thể liên hệ hình dung ra môi trường giáo dục rất chặt chẽ trong gia đình của Văn Tú.

Gia cảnh cùng khổ

Nhưng gia đình này, sau khi Tích Truân qua đời cũng dần dần suy tàn do vấn đề kinh tế.

Đương khi còn sống, Tích Trân có năm con trai, đa phần chỉ làm đến quan liêu tầm trung, không đạt đến quan lớn. Cha bà là Đoan Cung (端恭), chỉ từng nhậm Nội vụ phủ Chủ sự, tựa hồ là chức quan cao nhất trong các anh em trong gia tộc. Khi đó việc liên hôn với vương phủ cũng thất thoát khá nhiều của cải, bên cạnh đó liên tiếp Tích Trân qua đời, Đoan Cung cũng mất sớm, gia tộc này ngốn rất nhiều chi phí chia đều cho các phòng, hệ mà lại không có nguồn thu vào cao. Mẹ Văn Tú là Tưởng thị (蒋氏), là người Hán, kế thất của Đoan Cung, có hai người con gái với ông là Văn Tú và một cô con gái nhỏ hơn tên gọi Văn San (文珊). Sau khi Đoan Cung mắc bệnh qua đời, mẹ Văn Tú phải một mình nuôi hai chị em bà và con gái của vợ cả Đoan Cung cũng mất từ sớm.

Ban đầu cuộc sống khó khăn, bốn mẹ con Văn Tú thường nương nhờ nhà chú bà là Hoa Kham (华堪), em trai Đoan Cung, lúc bấy giờ đang là Lại bộ Thượng thư. Tuy nhiên ngày 12 tháng 3 năm 1912, Long Dụ Thái hậu ký chiếu thư thoái vị, nhà Thanh chính thức sụp đổ, Hoa Kham bị mất chức vị, không còn quan chức và bổng lộc từ triều đình. Gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đắc bắt đầu trở nên sa sút, Hoa Kham không thể đảm đương lo cho bốn mẹ con bà, đành chia tài sản cho mọi người rồi mỗi người mỗi ngả. Tình thế có thể nói là đã khó càng khó. Trong cuộc phân chia tài sản, mẹ con Văn Tú chỉ được phân vài món đồ cũ và một số tiền rất ít ỏi. Họ chuyển đến thuê nhà ở phố Hoa Thị ở Bắc Kinh. Tại đây, Tưởng thị - mẹ Văn Tú làm đủ nghề để lo tiền ăn học cho các con gái.

Đầu tháng 9 năm 1916, Văn Tú tròn 8 tuổi, được mẹ gửi tới trường tiểu học Hoa Thị (花市). Từ khi bắt đầu đi học, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương (傅玉芳). Ở trường, các môn quốc văn, toán học, tự nhiên, vẽ tranh cho tới âm nhạc Ngọc Phương đều học rất giỏi. Ngọc Phương hiếu thảo và thương yêu mẹ, ngoài thời gian ở trường, bà đều giúp mẹ làm việc nhà, thêu tranh để bán lấy tiền đóng học phí. Vì vậy, vào năm Ngọc Phương 13 tuổi đã chín chắn như một cô gái trưởng thành, rất được các lão sư yêu thích[2].